093 908 2017
Trang chủ Tin tứcTin xuất khẩu lao động Báo động lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc

Báo động lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc

Ngày đăng: 26/09/2018
4

Cơ hội tìm việc làm phù hợp cho lao động xuất khẩu trở về nước vẫn còn khó khăn - Ảnh: Hoàng Ngân

Khó kiếm việc làm, chênh lệch thu nhập quá lớn

Sau 10 năm đi xuất khẩu lao động theo Chương trình EPS ( Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc), anh Vũ Anh Sơn (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định về nước ổn định cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, hơn một năm nay, anh Sơn vẫn loay hoay đi tìm việc phù hợp với trình độ, chuyên môn ngành hàn tiện đã được đào tạo.

Chen chân tại một phiên giao dịch việc làm do Sở LĐ, TB&XH tổ chức cho lao động trở về đúng hạn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, anh Sơn chia sẻ: “Dù đã có tay nghề và trình độ ngoại ngữ khá ổn nhưng những lao động mới về nước như tôi vẫn được trả mức lương khá thấp.

Từ ngày về nước, tôi đã đi làm khá nhiều nơi nhưng vẫn không thấy phù hợp nên lại xin nghỉ”. Được biết, tại Hàn Quốc, anh Sơn được hưởng mức thu nhập khoảng 30-35 triệu đồng/tháng. Trong khi tại Việt Nam, các công ty chỉ đồng ý trả mức khởi đầu 5-6 triệu đồng, chưa bằng một nửa mức anh Sơn đề nghị.

Khoảng cách thu nhập quá lớn là nguyên nhân chính khiến người lao động như anh Sơn chỉ muốn đi mà không muốn về. Anh Phạm Văn Quý (34 tuổi, xã Bảo Đài, Lục Nam, Bắc Giang) một lao động trở về từ Hàn Quốc cho biết: Mức lương cơ bản của một lao động đi theo Chương trình EPS hiện khoảng 1.500 USD/tháng.

“Để được đi theo EPS, người lao động phải học nghề, tiếng Hàn và trải qua các kỳ thi sát hạch rất khó khăn, rồi xếp hồ sơ chờ đợi. Tuy nhiên, khi được tuyển thì chỉ được làm việc tại Hàn Quốc 4 năm 10 tháng. Thời gian này chưa đủ tích luỹ tiền bạc và kiến thức nên hầu hết lao động không muốn về nước đúng hạn. Chưa kể có sự chênh lệch khá cao giữa thu nhập trong nước và Hàn Quốc, cơ hội tìm việc khó khăn…”, anh Quý chia sẻ.

Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước đã lên tới 41,38%, cao hơn 12,49% so với tỷ lệ cả năm 2017. Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so với các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Con số này cho thấy mục tiêu giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn trong năm nay xuống dưới 30%, rất khó có thể đạt được.

Nguy cơ “cấm cửa” thị trường tiềm năng

Hàn Quốc là một trong 3 thị trường lớn nhất tiếp nhận lao động của Việt Nam (chỉ đứng sau Đài Loan và Nhật Bản). Tính đến cuối tháng 6/2018, số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc theo EPS là 38.331 người; số thuyền viên tàu cá gần bờ 7.067 người và số lao động chuyên môn kỹ thuật (visa E7) 1.788 người. Nếu xét về thu nhập, thị trường Hàn Quốc có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao bằng hoặc hơn tiền lương so với thị trường Nhật Bản. Lao động làm việc ở Hàn Quốc có thể nhận mức lương cơ bản từ 1.500-2.000 USD/ tháng (tương đương từ 34-45 triệu đồng/tháng), chưa kể tiền làm thêm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước 518 người. Bộ LĐ, TB&XH mới đây đã tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện tại 12 tỉnh, thành có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Sau 4 năm dừng triển khai, Chương trình EPS mới được ký lại vào năm 2016 chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Theo kế hoạch phân bổ chỉ tiêu lao động nước ngoài của Hàn Quốc năm 2018, dự kiến nước này tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (chưa bao gồm lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp). Tuy nhiên, nếu tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tiếp tục vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết (30%) thì Việt Nam sẽ chính thức bị “cấm cửa” tại thị trường này.

Từ phía đơn vị thực hiện EPS, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: Ngoài quy định xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, hiện phía Hàn Quốc cũng đã có chế tài xử phạt đối với DN sử dụng lao động bất hợp pháp với mức phạt 20 triệu won (tương đương 20 nghìn USD).

“Rất nhiều giải pháp như truy quét và ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước đã được đưa ra, nhưng không thể thực hiện, hoặc hiệu quả không cao. Chẳng hạn như chế tài xử phạt khi lao động hết hạn hợp đồng không về nước, hay quy định ký quỹ...”, bà Lan cho biết.

Được biết, Bộ LĐ, TB&XH đang xây dựng và lấy ý kiến về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Trong đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động đến hết tháng 8/2020. Nếu người lao động bỏ trốn, tiền ký quỹ sẽ không được trả lại, mà chuyển về ngân sách địa phương.

Đồng tình với đề xuất trên nhưng ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, giải pháp cốt lõi phải nâng cao đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người lao động trước khi họ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. “Khi có kiến thức, hiểu đúng bản chất người lao động sẽ không làm sai. Thêm vào đó, cần trang bị cho họ về những cơ hội việc làm trong nước, hoặc việc làm khác bao gồm cả quyền được quay lại Hàn Quốc làm việc. Có như vậy lao động mới yên tâm làm việc và về nước đúng hạn”, ông Trào nói.

Hoàng Ngân


Fanpage

Rate

Du lịch