093 908 2017
Trang chủ Tin tứcTrang địa phương Hồi sinh biển miền Trung (Kỳ 3: Chuyển hướng xuất khẩu lao động)

Hồi sinh biển miền Trung (Kỳ 3: Chuyển hướng xuất khẩu lao động)

Ngày đăng: 24/09/2018
 
Tạo việc làm ổn định
Như đã nói, sự cố môi trường năm 2016 đã làm ảnh hưởng tới đời sống của hơn 510 nghìn người dân thuộc 130 nghìn hộ gia đình ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế. Sau sự cố môi trường biển xảy ra, một số thế lực thù địch trong và ngoài nước tuyên truyền, xuyên tạc tình hình, kích động gây rối làm ảnh hưởng đến TTATXH, môi trường đầu tư và gây khó khăn trong công tác xử lý, khắc phục sự cố môi trường. Và để xử lý điều này, ngay sau khi sự cố xảy ra, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân, ban hành các chính sách cấp bách để người dân ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Ngoài việc thực hiện tốt công tác kê khai, đền bù thiệt hại, hỗ trợ cho người dân thì các văn bản chỉ đạo còn tập trung vào việc chuyển đổi ngành nghề để nhân dân có sự ổn định lâu dài.
Ông Bùi Đức Trình-Phó Bí thư Thường trực xã Kỳ Lợi (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, tại địa phương, con em sau khi học hết lớp 12 sẽ được ưu tiên cho học nghề ngắn hạn, dài hạn để trở về phục vụ các dự án tại địa phương. Đến nay, những em được nhận vào làm việc tại các nhà máy đều có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 6,5 triệu đồng trở lên. Còn ông Hoàng Phước-Chủ tịch TT Thuận An (H. Phú Vang, TT-Huế) cho biết, nhằm đáp ứng việc đào tạo nghề cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, ngành chức năng và thị trấn đã mở miễn phí 4 lớp đào tạo học lái xe ô-tô, 2 lớp nấu ăn. Toàn bộ số học viên sau khi học xong khóa học sẽ được các trường đào tạo, các cơ quan chức năng tìm việc làm phù hợp. Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (trú Tân Cảng, TT. Thuận An) trước đây đi làm thuê cho cơ sở thu mua đông lạnh ở cảng cá Thuận An, chồng đi bạn trên tàu cá xa bờ. Giờ đây, khi nhận được thông báo có lớp dạy nấu ăn miễn phí, chị đã đăng ký tham gia với hy vọng sau khi hoàn thành khóa học sẽ có công ăn việc làm ổn định lại có điều kiện chăm sóc con cái.
Tại xã Lộc Vĩnh, nhiều phụ nữ trước đây đi biển cùng chồng, sau khi được bồi thường, nhiều chị em quyết định chuyển nghề, để chồng tiếp tục bám trụ nghề biển. Chị Lê Thị Em (31 tuổi, trú xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc) cho biết: "Vừa qua, sau khi nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường biển, một phần em đầu tư mua thêm máy móc, ngư lưới cụ để chồng tiếp tục bám biển. Còn một phần, mình đầu tư mua bàn máy may, nhận đồ về may gia công cho các chủ xưởng ở Đà Nẵng. Mỗi tháng vợ chồng cũng thu nhập được hơn 10 triệu đồng".
 
Ra nước ngoài lao động
Để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, 2 năm qua, Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp đưa lao động của 4 tỉnh này đi làm việc ở các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tập trung vào các nghề thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong công nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong các trung tâm dưỡng lão và hộ gia đình. Tính đến tháng 1-2018, đã có hơn 32.000 người được đưa đi lao động ở 3 nước nói trên theo diện này. Bộ LĐ-TB-XH cũng chỉ đạo các địa phương tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách liên quan cho hàng chục lượt lao động nông thôn vùng biển. Quỹ Quốc gia về việc làm đã cho 2.384 dự án vay vốn tạo công ăn việc làm cho hơn 3.200 lao động. Quảng Bình cũng là một trong 4 địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho ngư dân và lao động bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển. Qua đó, tỉnh đã tạm ứng, cấp hơn 21 tỷ đồng cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện đào tạo nghề. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở dạy nghề, địa phương thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề, thông báo chính sách hỗ trợ việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Xã biển Nhân Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình) là nơi có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất, nhì tỉnh. Về Nhân Trạch trong những ngày này, hàng ngàn ngôi nhà cao tầng mọc lên giữa các cánh đồng, trên những đồi cát trắng mới thấy được hiệu quả từ nguồn lao động đi làm việc tại các nước. Theo ông Phạm Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, sau sự cố môi trường biển năm 2016, toàn xã có hơn 6.000 người trong diện được hỗ trợ, đền bù (chiếm hơn ½ dân số của xã). Các chính sách về đi làm việc tại nước ngoài, chuyển đổi ngành nghề cũng nhanh chóng được triển khai. Tính đến nay, toàn xã có 1.600 người đi lao động tại các nước, trong đó chủ yếu là tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu. Số lao động xuất khẩu tại các nước này mỗi năm gửi về cho gia đình khoảng hơn 200 tỷ đồng. "Theo thống kê của UBND xã, trong năm 2017, đã có hơn 150 ngôi nhà 2 tầng được người dân xây dựng. Trong 8 tháng đầu năm 2018 con số xây mới cũng gần bằng cả năm 2018. Đa phần các ngôi nhà mới này đều có người thân đi nước ngoài gửi tiền về xây dựng nên bộ mặt của xã cũng khang trang hẳn lên"-ông Hùng hồ hởi.
Ngoài chuyển đổi nghề và lao động tại địa phương, nhiều ngư dân ở TT-Huế cũng đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở các nước Nhật Bản và Đài Loan. Theo chính quyền địa phương của nhiều huyện chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển, nhiều nam thanh niên chưa có gia đình, sau khi nhận tiền bồi thường, họ đã sử dụng để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Nhật và Đài Loan. Theo tìm hiểu từ gia đình của các trường hợp đi xuất khẩu lao động được biết, mỗi tháng trừ chi phí tiền nhà, ăn ở; mỗi lao động thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng nếu đi Nhật và khoảng 30-35 triệu đồng nếu đi Đài Loan. Ông Nguyễn Xuân Bảo- Phó Chủ tịch UBND X.Lộc Vĩnh cho biết, ngoài hơn 10 trường hợp đã qua Nhật, Đài Loan làm việc được hơn nửa năm nay, hiện vẫn tiếp tục có một số lao động đang làm thủ tục để đi xuất khẩu qua Nhật, Đài Loan.
NHÓM PV
Các tin tức khác

Fanpage

Rate

Du lịch