093 908 2017
Trang chủ Tin tứcTin bốn phương 10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm

Ngày đăng: 18/09/2017

Nói đến ăn uống thì tâm hồn mỗi người con nước nam ta lại như trẻ lại, hồ hởi hơn, hào hứng hơn. Mỗi vùng quê đất Việt lại mang đến nhiều món ăn đặc sản vùng miền mà khiến những người con đi xa nhớ mãi, các du học sinh, người Việt xa quê hay các anh chị em tham gia XKLĐ  luôn có những dấu ấn khó phai. Dưới đây là 10 món ăn Việt phổ biến của người Hà Nội gây thương nhớ các bạn du học sinh và những người đi XKLĐ mỗi khi xa quê hương.

1. Phở

Nhắc đến món ngon Hà thành nhất định không thể bỏ qua món phở, bao gồm phở bò và phở gà. Món quà sáng này gần như là một món ẩm thực căn bản đối với bất kỳ người dân Hà Nội nào, ai cũng từng thưởng thức qua, từ trẻ nhỏ đến người lớn, để rồi trở thành “nghiện” món ăn này.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm pho-ha-noi

Đi đâu ở mọi ngóc ngách của phố phường Hà Nội bạn đều có thể bắt gặp một cửa hàng trưng biển hiệu bán phở bò hay phở gà. Mà đôi khi cũng không cần biển hiểu làm gì nhiều, chỉ cần thấy nồi nước dùng to lúc nào cũng bốc khói nghi ngút, kèm theo đó là quầy hàng với thịt bò chín có tái có, thịt gà vàng ươm thái mỏng hoặc thái chặt, rồi lại thêm hành hoa xanh mướt thái nhỏ… ấy đích thị là một hàng phở không lẫn vào đâu khác!

Thế nhưng một hàng phở ngon cũng phải khéo chọn lắm, thịt phải mềm chín tới, bánh phở phải mềm không nát, nhất là thứ nước dùng phải “thật” không pha trộn mì chính hay hương liệu mới là hàng phở ngon được lòng thực khách.

Phở gà thường được nhận xét thanh hơn phở bò, bạn có thể tìm đến phố Hàng Điếu, Hàng Hòm hay Yên Ninh, Quán Thánh. Phở bò đậm vị hơn và các địa chỉ nổi tiếng phố Lò Đúc hay Phùng Hưng chắc chắn cũng sẽ không làm bạn thất vọng.

2. Xôi xéo

Xôi xéo là một bữa sáng nhanh gọn mà lại vô cùng đủ chất, chỉ cần một gói xôi nhỏ thôi cũng sẽ giúp bạn có đủ năng lượng cho một buổi sáng học tập hay làm việc. Nắm xôi nho nhỏ xinh xinh nhưng để đến được tay bạn đã trải qua khá nhiều công đoạn vất vả của người nấu.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm xoi-xeo

Từ công đoạn chọn gạo sao cho thật ngon, phải là thứ gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm, nóng không bị nát mà để nguội cũng không bị khô, thứ gạo được tuyển chọn này sẽ được ngâm nước pha với nghệ tạo màu vàng rồi đồ lên, ăn cùng với đỗ xanh gĩa nhuyễn, hành phi, rưới nước mỡ hành để thêm phần bóng đẹp trơn mượt của nắm xôi. Nghe thì đơn giản vậy nhưng cầm trên tay nắm xôi vàng ruộm được gói trong miếng lá sen hay lá chuối đủ để cảm nhận được cái cầu kỳ của người Hà Nội. Một số địa chỉ xôi xéo được người Hà Nội tín nhiệm bạn có thể thử như xôi xéo Hàng Bài, Hàng Hòm…

3. Bánh giò

Bánh giò cũng là một món ăn sáng nhanh gọn của người Hà Nội, dễ ăn và đủ ấm bụng cho ngay cả trẻ nhỏ đến người lớn ở mọi độ tuổi. Bánh giò ngon phải có độ mềm mịn của bột bánh được nhào nặn kỹ lưỡng, bao bọc bên trong là lớp nhân thơm đến nức mũi của thịt băm với mộc nhĩ thái nhỏ được gia giảm vừa vặn.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm banh-gio

Chỉ đơn giản vậy thôi mà đủ sức cuốn hút ta trong những buổi sáng chưa có gì bỏ bụng hay bữa xế chiều muốn ăn thêm chút gì đó trước giờ cơm tối. Bánh giò cứ thế mà được bán từ sáng đến chiều, để cho bất kỳ ai cũng có thể thưởng thức.

Nói bánh giò như là một viên ngọc hấp dẫn được bao bọc cũng không sai. Bạn sẽ phải từ từ tháo từng lớp lá chuối gói bánh, từng lớp từng lớp một cho đến khi hé lộ phần bánh trắng trong mềm mại và tỏa hương thơm nức của bột gạo, xắn một phần vỏ bánh thì lại hiện ra thêm phần nhân đậm đà khiến bạn khó mà kìm lòng muốn thưởng thức. Bánh giò phải ăn nóng mới ngon, thế nên đừng chần chờ một khi đã bạn cầm trên tay gói bánh nhé!

Bánh giò nổi tiếng ngon và giá cả phải chăng bạn có thể tìm đến chợ Nguyễn Công Trứ, Thụy Khuê hay phố Đông Các.

4. Bún chả

Nói về ẩm thực Hà Nội, chắc không thể không nhắc đến bún chả. Chẳng thế mà tổng thống Obama khi sang thăm Việt Nam cũng đã ghé thăm thưởng thức bún chả. Đây là món ăn truyền thống và bạn dễ dàng bắt gặp hàng quán ở bất kỳ đâu trên các con phố Hà Nội. Và món ăn này “gây thương nhớ” cho bất kỳ ai khi xa Hà Nội.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm bun-cha

Bún chả không quá cầu kỳ nhưng để ăn ngon thì không hẳn quán nào cũng giống nhau bởi cách pha chế nước chấm, tẩm ướp thịt. Thịt để làm bún chả ngon nhất là thịt lợn nạc vai, được chế biến thành hai loại là chả miếng và chả băm, sau đó nướng trên than hoa. Thường nhiều thực khách chọn ăn lẫn cả 2 loại chả băm và chả miếng cho đủ vị.

Khi ăn, bạn có thể ăn với bún rối hoặc lá, tùy cách lựa chọn, chấm với thứ nước mắm chua mặn ngọt được pha rất cầu kỳ gồm tỏi, ớt và không thể thiếu dưa góp làm từ đu đủ xanh. Bún chả có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào sáng trưa, chiều, xế… và ăn kèm với đĩa rau sống xanh mướt. Nhiều quán còn có kèm nem rán cũng rất thú vị. Giá một bát bún ở Hà Nội dao động từ 30.000 – 80.000 đồng.

5. Bún thang

Bún thang là một món ăn tinh túy và vô cùng cầu kỳ của người Hà Nội. Để làm món ăn này cần rất nhiều nguyên liệu, đòi hỏi người chế biến phải rất tỉ mỉ , công phu. Người ăn cũng phải là người tinh tế, cầu kỳ mới cảm nhận hết được vị ngon và đầy đủ mùi vị tinh tế mà món ăn mang lại.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm bun-thang

Ở Hà Nội, không phải quán nào cũng làm được một bán bún thang ngon và “chuẩn”, vì thế cũng rất ít hàng bán bún thang. Bạn có thể điểm qua một số quán như ở Cầu Gỗ, Hàng Hòm, Hạ Hồi hay Giảng Võ…

Nguyên liệu chính làm nên bát bún thang bao gồm lườn gà xé, giò lụa thái sợi, bún trắng, trứng gà ráng vàng ươm thái chỉ… Bún được dùng phải là loại bún mềm sợi nhỏ, trắng tinh. Bát bún được dọn ra trông như một bức tranh rực rỡ, có sự hòa quyện hài hòa của các màu sắc trắng của bún, vàng của trứng, nâu nấm hương, xanh của hành, hồng hồng của giò lụa thái chỉ, củ cải khô…

Đặc biệt nước dùng phải được ninh từ xương và tôm he mới có vị ngọt đậm đà. Và sẽ vô cùng thiếu sót nếu ăn bún thang mà không có chút tinh dầu cà cuống sẽ làm nên vị đặc biệt. Ăn bún thang phải ăn nóng, kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu. Một bát bún thang dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng.

6. Bún riêu cua

Đây là món bún truyền thống lâu đời của người miền Bắc. Riêu cua là dạng canh chua được nấu từ gạch cua, thân cua giã và lọc cùng với cà chua, mỡ nước, dấm bỗng và các loại gia vị khác. Ăn bún riêu cua sẽ không thể thiếu rau sống và một chút mắm tôm cùng ớt chưng. Món ăn sẽ rất tuyệt vào bữa sáng mùa hè để bạn cảm thấy tràn trề năng lượng cho cả ngày mới.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm bun-rieu-cua

Bún riêu cua Hà Nội đã thay đổi khá nhiều theo thời gian. Nếu trước đây, bát bún truyền thống chỉ đơn giản những nguyên liệu kể trên, thì nay bát bún đầy đặn hơn rất nhiều với đủ các loại đồ ăn kèm như giò tai, đậu phụ, thịt bò… Dù vậy, ngày nay nhiều người vẫn thích hương vị xưa và tìm đến những hàng quán có hương vị của quá khứ. Giá mỗi bát bún riêu cua dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng.

7. Bún ốc

Bún ốc vốn là món ăn đặc trưng của Hà Nội bởi sự tinh tế, cầu kỳ bởi thứ nước dùng chua chua thanh thanh, thêm chút cay của ớt chưng, hòa quyện cùng vị béo ngậy của từng con ốc, bùi bùi của đậu phụ. Bún ốc sử dụng bún rối, sợi nhỏ. Nước dùng ninh từ xương, gạn lấy nước trong. Người Hà Nội thường ăn bún ốc với các loại ốc mít, ốc nhồi hay ốc vặn, ốc đá.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm bun-oc

Bún ốc không chỉ có nước dùng, ốc, đậu là đặc trưng cơ bản mà còn có thể có chuối xanh, một ít rau sống hay rau muống chẻ, giá, cần, cà chua… vừa đậm đà vừa màu sắc nức lòng tất cả thực khách. Hà Nội có rất nhiều hàng bún ốc nổi tiếng như bún ốc Bà Sáu, bún ốc chị Thêm, bún ốc Khương Thượng, bún ốc tóp mỡ Bạch Mai, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng hay các hàng bún ốc trong ngõ chợ Đồng Xuân… Giá mỗi bát bún ốc cũng dao động, từ khoảng 25.000 đồng. Ăn bún ốc cần có ớt chưng, ăn cùng rau sống, ăn nguội hoặc ăn nóng, chấm hoặc chan.

8. Bánh cuốn

Người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng thường ưu tiên các món ăn với nguyên liệu chính là gạo, đúng như truyền thống nông nghiệp trồng lúa lâu đời của dân tộc. Không chỉ có gạo nấu thành cơm thành xôi, mà còn khéo léo chế biến thành các sợi bún, phở và cả xay nhuyễn để làm bánh. Bánh cuốn cũng xuất phát như vậy, khi thứ gạo thơm ngon được xay nhuyễn chế biến thành món ăn ngon cho mọi người.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm banh-cuon

Bánh cuốn thuở ban đầu chỉ có bánh cuốn Thanh Trì với từng miếng bánh đã được tráng mỏng xếp gọn từng lớp từng lớp như bậc thang, ăn kèm với nước chấm được pha chế vừa miệng không mặn quá không gắt quá, chỉ thế thôi mà đã khiến bao người thích thú.

Dần dần bánh cuốn Hà Nội đã được cải tiến hơn với nhân thịt lợn thịt gà băm nhuyễn cùng với chút nấm hương mộc nhĩ, ăn nóng chấm cùng với nước chấm, miếng chả quế thơm lừng. Dù thay đổi thế nào đi chăng nữa, nhưng cái hồn của món ăn là miếng bánh được tráng mỏng, mềm mượt cuộn khéo léo, chấm cùng với thứ nước chấm được pha chế vừa vặn, thêm vài giọt tinh dầu cà cuống hiếm có vẫn được giữ vẹn nguyên truyền qua bao thế hệ các bà các cô đất kinh kỳ.

Bánh cuốn hiện nay bạn có thể tìm đến phố Hàng Bồ, Hàng Gà hay Nguyễn Bỉnh Khiêm…đều là những địa chỉ bánh ngon được mọi người tín nhiệm.

9. Bánh mỳ

Bánh mì đâu có phải món ăn lạ lẫm gì nữa đâu, thậm chí nó còn quen đến nỗi trở thành một nét ẩm thực vô cùng đẹp và đặc trưng của người mình để nhắc đến tên ngoài thòm thèm ra còn đầy hãnh diện. Nó là món không kén người ăn, cũng chẳng dành riêng cho bất cứ đối tượng nào cả. Bé con ăn, học sinh ăn, người lớn ăn, thậm chí cả những cụ già cũng phát “nghiền” vì bánh mì. Mà cái ưng ý nhất là ăn bánh mì vào giờ nào cũng được, thay bữa trưa, bữa tối cũng chả vấn đề, rồi ăn kèm với cái gì cũng đều thấy hợp. Đúng là một món ăn “dễ chịu” về cả khía cạnh ẩm thực lẫn… ví tiền.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm banh-my

Ngày ngày, bánh mì càng được biến tấu để thu hút nhiều thực khách hơn, bằng chứng là các loại nhân được nhồi vào trong hay đồ ăn kèm đều đa dạng, phong phú hơn hết thảy. Các quán bán bánh mì mọc lên như nấm sau mưa, mỗi nơi lại mang riêng một vị, nhưng chủ yếu nhân phía trong bánh mì đã được “Tây hóa” nào thịt nướng, trứng cuộn… chẳng còn mấy nữa mấy hàng bánh mì bán bơ phần, xúc xích bì, pate.

Đó cũng là lý do khiến người ta đôi khi thèm đến tha thiết một ổ bánh mì “xưa” đúng chuẩn hương vị ngày trước. Vào thời tiết lành lạnh mà bụng có thể đói bất cứ lúc nào, nếu như đang ở Hà Nội và bỗng lên cơn thèm, bạn có thể thử ghé qua những hàng bánh mì sau đây..

10. Cháo sườn

Mỗi sáng thức dậy ra khỏi nhà tìm món quà sáng, bất chợt bạn đi qua một góc phố nhỏ nhộn nhịp người đứng người ngồi, túm tụm xung quanh một nồi nhỏ đang bốc khói nghi ngút, rồi thêm vài chiếc quẩy, lọ tiêu lọ ớt bột, từng chiếc bát xếp gọn gàng… đó đích thị là một hàng cháo sườn trong vô vàn những hàng cháo sườn bình dị của thủ đô.

10 món ăn Việt mà Du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động phát thèm chao-suon

Một hàng cháo sườn đơn thuần chỉ có vậy, có khi cũng chẳng cần có bàn ghế nào cao sang, chỉ đôi ba chiếc ghế nhựa cao thấp làm bàn và làm cả ghế, thế nhưng sáng nào cũng rất đông khách. Vì sao mà món ăn này lại có sức hấp dẫn đến vậy nhỉ? Đơn thuần vì cháo sườn dễ ăn, dễ ngon lại dễ để ấm bụng trước giờ đi học đi làm. Không những thế, cháo sườn còn gắn liền với tuổi thơ của mỗi người con phố thị, khi sáng sớm chạy ù ra đầu ngõ đầu phố được lót dạ bát cháo thơm ngon ấm lòng.

Một thìa cháo trắng ấm nóng là sự hòa quyện của gạo tẻ được xay nhuyễn, nấu cùng với nước xương, lẫn cẫn trong cháo là thịt từ sườn ninh nhừ tróc ra mềm vô cùng… ăn một thìa cháo mà cảm giác như chưa bỏ vào miệng đã trôi tuột xuống lòng, mềm mịn như nhung vậy. Để thưởng thức món cháo sườn mềm mịn này bạn có thể tìm đến phố Hàng Bồ, Lý Quốc Sư hoặc ngõ chợ Đồng Xuân, phố Tống Duy Tân nhé!

Fanpage

Rate

Du lịch