Nâng cao chất lượng thương hiệu lao động

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Năm 2018, cả nước có khoảng 120.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm. Lao động Việt Nam tại nước ngoài được đánh giá cao về tính cần cù, ham học hỏi và tiếp thu công việc nhanh. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là chất lượng tay nghề của lao động nước ta tại nước ngoài chưa cao, chưa đồng đều, số ít lao động có ý thức kỷ luật chưa tốt.

Lý giải nguyên nhân, bà Trần Thị Vân Hà nhìn nhận, do một số doanh nghiệp tuyển lao động không đáp ứng điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ, không trực tiếp tổ chức đào tạo, tuyển chọn lao động mà giao hết cho các cơ sở đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo chưa bảo đảm yêu cầu. Một số doanh nghiệp chỉ phổ biến chung về các nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết, không phổ biến đầy đủ tính chất phức tạp của công việc người lao động phải làm ở nước ngoài.

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài” tổ chức mới đây ở TP Hồ Chí Minh, nhiều hạn chế trong công tác đưa người lao động trong nước đi làm việc tại nước ngoài được các đại biểu phân tích. Lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc phần lớn là lao động nông thôn, chưa qua đào tạo kỹ năng nghề chính quy và chưa có tác phong công nghiệp. Hiện nay, nhiều sinh viên, cử nhân lựa chọn XKLĐ là một trong những giải pháp để giải quyết nhu cầu có việc làm, kiếm thu nhập trước mắt. Việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các nước vẫn còn nhiều hạn chế.

Sinh viên tham gia phỏng vấn tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu lao động.

PGS, TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, cho rằng: “Trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỷ luật của người lao động Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cũng đã liên kết, hợp tác với các đơn vị XKLĐ để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc XKLĐ... Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế và khu vực, lao động Việt Nam trình độ cao ngày càng có nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Chúng ta không chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, mà phải nâng cao chất lượng thương hiệu lao động Việt Nam”.

Xuất khẩu lao động là một kênh hội nhập quốc tế

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Số lượng lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài năm 2003 chỉ đạt khoảng 35% thì đến nay, tỷ lệ này đã đạt hơn 50%. Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường, ngành nghề tiếp nhận lao động trình độ cao của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời ưu tiên hàng đầu là cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các cơ sở đào tạo nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Các doanh nghiệp có thể dựa vào tiêu chí của đối tác nước ngoài, hợp tác với các trường nghề để đào tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực XKLĐ, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn, cho biết: Đào tạo toàn diện về kỹ năng và phong tục tập quán cho người lao động là rất cần thiết. Bên cạnh đào tạo nghề, kỹ thuật cho học viên, tại doanh nghiệp đã thỉnh giảng các kỹ sư, giảng viên có tay nghề cao trong các lĩnh vực xây dựng, hàn… để đào tạo tay nghề cho các học viên. Điều này giúp các học viên có kỹ năng nghề tốt, tự tin trước khi sang nước ngoài làm việc. 

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Cần tiến hành đồng bộ các giải pháp tạo nguồn lao động trình độ cao, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp, chú trọng kết nối doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động. Thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng với các cơ quan liên quan đã triển khai chuỗi các hoạt động nhằm mục đích gắn kết các trường đào tạo và doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng hợp tác đào tạo. 

HỒNG GIANG

(Báo QĐND)